Thu. May 2nd, 2024


    “Vua phá bom” ở chảo lửa Cò Nòi

    Anh hùng phá bom Cao Xuân Thọ được ví như “tượng đài sống” về lòng kiên cường, bất khuất không quản tính mạng chiến đấu quên mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có những người đồng đội đã mãi nằm lại nơi chiến trường, người may mắn trở về vẫn không thôi hồi tưởng về một thời khói lửa, nơi đã giữ lại bao nhiêu là máu thịt của đồng đội mình.

    Năm 18 tuổi chàng trai Cao Xuân Thọ (SN 1926, quê gốc ở xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xung phong vào đội tự vệ, hai năm sau ông lại tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ Chiến dịch Thu – Đông. Tháng 3-1949, ông được cử sang Giang Đông, Trung Quốc học quân báo. Sau khi về nước, ông gia nhập đội TNXP phục vụ Chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.

    Ông trở thành đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, đội TNXP 40 khi phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ gác đài quan sát bom ở ngã ba “lửa” Cò Nòi.

    Ngã ba Cò Nòi đã đi vào lịch sử như một mốc son, khắc ghi thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã Ba Cò Nòi là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại trong hồi ký của mình: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”.

    a1.jpg
    Anh hùng Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958. (Ảnh: Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi)

    Trong đời binh nghiệp của mình, ông nhớ nhất là lần uống nước mắm để phá bom. Đó là vào một buổi chiều tháng 3/1954, ông được lệnh về hỗ trợ gỡ bom nổ chậm tại cầu Tà Vài với độ sâu gần 4 m. Lệnh của cấp trên phải phá được bom trước 18h. Đồng chí Trần Văn Cam lặn xuống thăm dò nhưng ngoi lên luôn vì rét quá. Chợt nhớ đến kinh nghiệm của người dân đi biển tôi liền xin chỉ huy vài lít nước mắm nguyên chất rồi nhắm mắt uống liền 3 – 4 bát. Sau một hồi lặn xuống thì phát hiện quả bom nằm trong khe đá. Trước khi lặn, tôi dùng dây rừng buộc vào người rồi thống nhất, lúc nào ốp được bộc phá vào ngòi, đấu dây cháy chậm xong thì giật ba lần để anh em kéo lên bờ. Sau 10 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, bọt nước tung trắng xóa cao hàng chục mét, cầu Tà Vài được thông, từng đoàn xe và người tiến về Điện Biên Phủ. Sau kỳ tích phá bom lịch sử ấy, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

    Suốt những năm tháng dài sống chết trong gang tấc nhiêu lần đối mặt với tử thần, thế nhưng những lần gặp Bác Hồ là miền ký ức không thể phai mờ trong tâm trí Anh hùng Cao Xuân Thọ. Đó cũng là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để trải qua mưa bom bão đạn người thanh niên ấy vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau bao ngày cùng đồng đội nằm sương, nếm mật, vừa chỉ huy, vừa trực tiếp phá, thu gom được hơn 100 quả bom các loại ở các trọng điểm ác liệt như: Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, cầu Tà Vài, cầu Hát Lót… Chiến công ấy giúp ông Thọ được gặp Bác Hồ.

    Vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ

    Ông kể: “Đó là vào tháng 12/1953, tôi cùng đồng đội về Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội chiến sĩ thi đua yêu nước. Khi mọi người đang kể cho nhau nghe về những chiến công mới giành được, bỗng có tiếng reo lên: “A, Bác Hồ! Bác Hồ đến!”. Cả căn phòng nín lặng trong giây lát rồi bỗng hò reo sung sướng”.

    a2.jpg
    Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ.

    Lần thứ 2 ông Thọ được vinh dự được gặp Bác đó là vào tháng 11/1954, ông cùng 16 đồng đội về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Đoàn TNXP tại Hà Nội, được đến thăm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng lần này, ông lại được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Những tưởng chỉ được gặp Bác một lần, chỉ sợ thời gian sẽ làm mai một đi hình ảnh rất đỗi thân thuộc của Bác. Nhưng niềm hạnh phúc nhân đôi khi được gặp Bác lần thứ 2

    “Bác bảo thành tích về phá bom nổ chậm ở Điện Biên Phủ của các chú là rất tốt. Đồng chí hiệu trưởng đã ca ngợi các chú, các chú là tấm gương để sinh viên được học tập tại chỗ. Nói đến đó, Bác chia quà cho chúng tôi rồi cùng hát bài hát Đoàn kết là sức mạnh”.

    Trong lần này, ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và tiếp tục được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

    Sau khi chiến dịch kết thúc, công trường 111 của ông được nhận nhiệm vụ làm đường từ Lai Châu đến biên giới Vân Nam, Trung Quốc. Đây là con đường hoàn toàn mới, núi cao hiểm trở nên cái gì cũng thiếu. Cả đội phát động phong trào tăng gia sản xuất, khi có sản phẩm tôi cùng 3 đồng chí nữa đan sọt tre mang 1 cây cải sen nặng 12 kg và 4 củ su hào nặng 10 kg về Hà Nội biếu Bác.

    Khi đến Phủ Chủ tịch, 4 người được đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác ra đón. Bác thấy chúng tôi đến thì Bác giơ tay vẫy vẫy, mọi người mừng vui chạy lại ôm Bác. Cái ôm ấm áp ấy vẫn làm ông bồi hồi mỗi lần hồi tưởng lại và rưng rưng khi nhớ về Bác.

    Trong lần gặp này, ông Thọ thay mặt đồng đội nhận Cờ thi đua nhất toàn đoàn Bác tặng cho đơn vị.

    Ngày 23/6/1956, ông cùng 11 đồng chí của đội 34 – 40 được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua công – nông – binh toàn quốc. Tại đây, ông Thọ cùng đồng đội cũng được Bác Hồ bắt tay và khen ngợi “Bác rất vui khi biết các chú là thanh niên tiêu biểu, là bông hoa của mùa xuân mà đại hội đã bầu ra…”.

    “Đời người được gặp Bác một lần đã là may mắn lắm, còn tôi được gặp Bác tới 4 lần, trong đó có 3 lần vinh dự được nhận Huy hiệu của Người. Mỗi lần gặp Bác, được Bác khen, được nắm đôi tay Người tôi đều trào nước mắt”, ông Thọ hồi tưởng

    Với những cống hiến to lớn của ông “vua phá bom”, năm 2014, ông là một trong ba người vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ năm 1954.

    a3.jpg
    Tác giả bài viết trò chuyện với Anh hùng phá bom Cao Xuân Thọ

    Dù đã 98 tuổi, nhưng những ký ức mỗi lần được gặp Bác Hồ vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Thọ.

    Dù đã để lại chiến trường 3 đốt sống lưng, 1 viên đạn còn nằm trong cơ thể, nhưng khi nghe con trai cả hỏi “Bố có muốn quay về chiến đấu ở Điện Biên Phủ không? Ánh mắt ông lại rực sáng đáp dõng dạc “Có chứ”.

    Đi gần hết cuộc đời người, ông lại trở về nơi chôn rau cắt rốn ở thôn Chinh Thọ, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sống một cuộc đời bình dị. Di chứng của chiến tranh để lại tai ông nhiều lúc không còn nghe rõ, chiếc lưng đã còng vì bị mất 3 đốt sống lưng, dáng người nhỏ thó nhưng vẫn còn gân guốc. Đó cũng chính là chàng thanh niên dũng cảm, 70 năm trước đã bao lần cảm tử để phá bom mở đường ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Những người như ông là minh chứng sống cho một thời chiến đấu quên mình để bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, ký ức về một thời bom đạn nhưng vang mãi bản anh hùng ca chiến thắng. Những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất, ông và đồng đội của mình đã dành cho trọn cho đất nước. Chiến trường Điện Biên Phủ, ở đó có máu thịt của ông, có cả sinh mạng của những người đồng đội thân yêu của ông đã mãi nằm lại.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *