Sat. May 4th, 2024


    Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn

    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Quảng Ninh đã tập trung phát triển rừng bền vững theo quy hoạch 3 loại rừng, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đẩy mạnh chuyển loại rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

    anh-hl-02.jpg
    Cán bộ tỉnh và huyện Ba Chẽ cùng người dân huyện miền núi Ba Chẽ tích cực trồng rừng gỗ lớn, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Anh Triệu Tiến Lộc, ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP.Hạ Long được biết đến là một trong những hộ điển hình trong việc gìn giữ, nhân rộng rừng lim hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, gia đình anh Lộc sở hữu gần 10ha rừng cây gỗ lớn, trong đó có tới 500 cây lim to mấy chục năm tuổi, cùng hàng trăm cây lim nhỏ. Để có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình, dưới tán rừng, anh Lộc trồng xen nhiều cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao như ba kích, khôi tía, trà hoa vàng. Đồng thời, anh Lộc đang cải tạo vườn đồi, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới. Không chỉ phát triển cánh rừng của gia đình, anh Lộc còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa phương tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng cây gỗ lớn.

    Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy ký văn bản số 784, ngày 4/4/2024 về việc đăng ký hưởng ứng trồng rừng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đóng góp nguồn lực để trồng trên 1.448ha lim, giổi, lát trong năm 2024, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu trồng 5.000ha lim, giổi, lát đã đề ra.

    Nhờ vậy, đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 39.413 ha, trong đó diện tích trồng lim, lát, giổi đạt hơn 2.242 ha. Tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%. Đồng thời, từ năm 2021 đến nay đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với kinh phí trên 34 tỷ đồng và đã trồng được hơn 1.656ha cây gỗ lớn, cây bản địa.

    Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS

    Với nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các xã vùng cao tích cực hưởng ứng chuyển sang trồng rừng gỗ lớn kết hợp cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, tạo việc làm thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Nhằm phát huy thế mạnh của từng vùng miền, địa phương, tỉnh Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX) gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

    Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 221 HTX thành lập mới, trong đó địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 69 HTX, 119 Tổ hợp tác, 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp và 232 trang trại. Hiện, hầu hết các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng/trang trại, lợi nhuận 220 triệu đồng/trang trại.

    anh-hl-02.jpg
    Rừng lim hàng chục năm tuổi của gia đình anh Triệu Tiến Lộc, xã Tân Dân, TP.Hạ Long được bảo tồn, tạo sinh kế bền vững góp phần nâng cao cuộc sống

    Cùng với đó, để thực hiện đa dạng sinh kế cho người dân, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “cần câu” đối với người dân để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chỉ tính trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

    Anh Triệu Quay Phúc, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cho biết: HTX được thành lập năm 2020, gồm 11 thành viên, ngay sau khi đi vào hoạt đông, HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho gần 100 hộ dân trong xã với trên 180ha quế. Bằng số tiền huy động từ các thành viên và được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ nguồn vốn từ Nhà nước, ngoài việc thu mua vỏ quế, HTX còn mạnh dạn đầu tư làm vườn ươm sản xuất giống cây quế bán cho người dân trong và ngoài xa, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương.

    Với hàng loạt chính sách mang tính đột phá, phát huy hiệu quả đã tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã vùng DTTS miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 73 triệu đồng/người, tăng hơn 27 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.

    Kết quả này đã góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *