Wed. May 1st, 2024


    Tạo chuyển biến trong nhận thức về ứng phó BĐKH

    Dưới tác động của BĐKH, một số ngành, lĩnh vực của Lạng Sơn đã chịu nhiều tổn thương như: Nông nghiệp, an ninh lương thực, tài nguyên nước, đất, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên và nơi cư trú, nhất là cộng đồng dân cư sống gần khu vực các sông, hồ và miền núi. Chế độ mưa cũng khác thường, nước tập trung chủ yếu vào mùa mưa, gây lũ quét và sạt lở đất. Ngược lại, nguồn nước tại các sông, suối, ao hồ có xu hướng suy giảm, gây hạn hán, ô nhiễm. Sự chênh lệch lượng mưa giữa tháng lớn nhất và tháng nhỏ nhất từ 50 – 80 lần.

    bd-2.jpg
    Tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trồng, phủ xanh đất trống để chủ động ứng phó BĐKH.

    Xác định ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

    Tập trung tuyên truyền tới các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH; hạn chế tối đa các ngành và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan, hệ sinh thái lân cận, nhất là các khu vực đầu nguồn nước, khu dân cư.

    Đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các vi phạm lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức trước tác động của BĐKH, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, kêu gọi hành động của mỗi cá nhân, góp phần tạo thành thói quen trong công tác BVMT.

    Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về BVMT, ứng phó BĐKH. Hiện Lạng Sơn có 37 đề tài, dự án đang được triển khai liên quan đến công tác ứng phó BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT, có tính khả thi cao.

    Triển khai trên mọi lĩnh vực

    Theo ông Nguyễn Hữu Trực – Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn, những năm qua, Lạng Sơn đã chú trọng triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực vào cam kết của Việt Nam trong việc cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu Trái đất, hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo nội dung cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

    bd-1.jpg
    Những năm qua, Lạng Sơn chịu nhiều tác động của BĐKH.

    Bước đầu, nhận thức, ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư dần được nâng lên, có những chuyển biến đáng kể góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Các hoạt động ứng phó BĐKH đã được triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và dịch vụ; giao thông vận tải; xây dựng; quốc phòng, an ninh…

    Song, bên cạnh đó, quá trình thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH của Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu biết, nhận thức về BĐKH chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ cũng như cách thức ứng phó; nhận biết, nhận dạng về BĐKH tại các cơ quan, đơn vị chưa rõ. BĐKH mới chỉ được coi là nguy cơ mà chưa được xem là cơ hội để thúc đẩy theo hướng phát triển bền vững.

    Mặt khác, các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được chú trọng đúng mức, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chưa được phát triển, sử dụng tương xứng với tiềm năng. Việc thực hiện các biện pháp cụ thể để ứng phó với BĐKH còn lúng túng, hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản còn có mặt hạn chế. Việc sử dụng đất một số nơi hiệu quả còn thấp và chưa được phát huy đầy đủ.

    Để nâng cao hiệu quả ứng phó BĐKH, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, hạn chế tối đa các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm, khí nhà kính, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư.

    Tập trung rà soát các chính sách, nội dung chi liên quan đến BĐKH để kiến nghị điều chỉnh cơ cấu ngân sách cho phù hợp. Mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động ứng phó BĐKH, nhằm đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

    Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về BVMT, ứng phó với BĐKH; quan tâm chỉ đạo thực hiện ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm mục tiêu xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *