Tue. Apr 30th, 2024


    Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp Vi mạch bán dẫn Việt Nam được tổ chức sáng nay, ngày 17/4. Hội thảo do Bộ KH&CN phối hợp Bộ GD&ĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

    Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.

    Thời gian qua, nhiều Chương trình KH&CN cấp quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược, tiêu biểu là: Chương trình Sản phẩm quốc gia, chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc CMCN 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hoá, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…

    Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, hiện nay Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước”. Trong đó, Bộ KH&CN cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

    Ông Đạt khẳng định ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.

    Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia.

    Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau COVID-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

    Trong thời gian qua, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng, theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án CNC, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn.

    “Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan (khoảng trên 40 công ty)… Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip,…

    Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết, hội thảo lần này được tổ chức với 3 mục đích chính: Nhận diện về thực trạng và định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam; đánh giá nhu nhu cầu nhân lực và định hướng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam; kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn.

    Tại hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM, tập đoàn Viettel, Ban quản lí công nghệ cao TPHCM liên quan đến các nội dung như đào tạo nhân lực, chính sách phát triển của ngành bán dẫn.

    Nghiêm Huê

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *