Sat. May 4th, 2024


    Có nhiều ý kiến quan ngại về dự án kênh đào Funan Techo Campuchia, bao gồm: Các tác động của dự án đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL; đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên, khắc nghiệt hơn.

    Tại cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia ngày 23/4, theo Ủy hội sông Mekong Việt Nam, dự kiến kênh đào Funan Techo sẽ được Campuchia khởi công trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2028. Kênh đào dài 180 km, rộng 100 m, xây dựng 3 âu thuyền, phục vụ tàu tải trọng 1.000 DWT. Kênh nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan.

    Kinh phí đầu tư dự án kênh đào này ước khoảng 1,7 tỷ USD. Cụ thể, điểm đầu kênh đào nối với dòng Bassac (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia rồi đổ ra vịnh Thái Lan.

    Nhiều chuyên gia Việt Nam đều quan ngại về dự án kênh đào Funan Techo, nhất là các tác động đến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm: Các tác động đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn; việc thực hiện dự án sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Kông ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới vùng ĐBSCL, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

    kenh-dao-phu-nam-campuchia-2538.jpg
    Sơ đồ của kênh đào Funan –Techo

    Theo mô tả của phía Campuchia, dự án kênh đào Funan Techo có thể mang lại một số lợi ích cho Campuchia, bao gồm: Giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Campuchia và các quốc gia khác; thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh ven biển Campuchia; cải thiện giao thông và vận tải đường thủy nội địa địa phương và khu vực kết nối cho cộng đồng địa phương ở miền nam Campuchia; giảm nguy cơ lũ lụt cho một số vùng bị ngập ở tỉnh Kandal và Takeo; tăng cường du lịch và sinh kế cho người dân địa phương bằng cách cung cấp hệ thống logistics tốt hơn và kết nối hơn…

    Ngoài ra, Kandal và Kampot là hai trong những tỉnh trọng điểm về lúa của Campuchia, không loại trừ dự án sẽ có tính chất chuyển nước để tưới cho nông nghiệp với diện tích khu hưởng lợi có thể lên đến 300.000 ha.

    Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Cần Thơ) cho rằng, kênh Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.

    “Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

    Ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong quá trình phát triển khu vực thượng nguồn sông Mekong đã tác động đến dòng chảy đối với hạ lưu sông Mekong. Thể hiện rõ nét qua nhiều năm ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, mùa lũ mực nước đỉnh lũ thấp, mùa khô dòng chảy về hạ lưu thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, hàm lượng bùn cát lơ lửng (phù sa) sụt giảm mạnh.

    Theo ông Tuấn, dòng chảy, bùn cát đã và đang sụt giảm và có xu hướng ngày càng thiếu hụt nhiều hơn, dẫn đến thiên tai do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng, giảm độ phì nhiêu của đất, giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

    Đối với tác động của kênh đào Funan Techo, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn cho rằng, từ Phnom Penh dòng chảy sông Mê Kông có phân lưu sông Bassac, phân chia dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu. Khi kênh đào đi vào hoạt động, dòng chảy sông Mekong sẽ tiếp tục phân chia thêm một lượng nước về sông Bassac làm giảm dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (sông Tiền).

    mekong.jpg
    Một con tàu vận chuyển container xuôi dòng sông Mekong. Ảnh: Nikkei.

    Theo ông Tuấn, mùa khô dòng chảy sông Mekong và sông Bassac về hạ lưu giảm trong nhiều năm qua, khi kênh đào này lấy thêm một lượng nước nữa thì dòng chảy về hạ lưu sẽ tiếp tục sụt giảm, dẫn đến khả năng thiếu hụt lượng nước trong mùa khô ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, dự án được thực hiện sẽ làm mất đi một diện tích lớn vùng đệm (rừng, đất, nước) làm một số yếu tố khí tượng, thủy văn thay đổi, biến đổi khí hậu có thể gia tăng.

    Ông Phạm Hồ Quốc Tuấn nêu rõ: “Dự án kênh đào Funan Techo trong giai đoạn thực hiện và hoạt động chắc chắn sẽ có tác động đến khu vực hạ lưu sông, vùng biển và mức độ tác động ít hay nhiều cần phải có nghiên cứu khoa học, chuyên sâu, độc lập mang tính quốc tế, từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu các tác động và giải pháp thích ứng để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và vùng hạ lưu ở ĐBSCL”.

    Được biết, trước cuộc họp tham vấn ngày 23/4, trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về Dự án cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã tiến hành các cuộc trao đổi song phương với phía Campuchia ở các cấp để nêu quan ngại của Việt Nam về tác động của Dự án tới ĐBSCL. Tại các cuộc tiếp xúc, Ủy ban sông Mê Kông Campuchia đã ghi nhận các quan ngại của phía Việt Nam về dự án và thông báo đang làm việc với các bộ, ngành liên quan của Campuchia để chuyển tải các ý kiến của phía Việt Nam.

    Đồng thời, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế hỗ trợ các quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án. Hiện Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu độc lập về tác động của dự án, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.

    Tại cuộc họp tham vấn, bà Nguyễn Thị Thu Linh – Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trong việc tiến hành nghiên cứu độc lập tác động của Dự án; đồng thời, ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp tham vấn này và sẽ chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và phía Campuchia.

    Theo bà Linh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Campuchia và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghiên cứu về tác động của Dự án; đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động và tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn tại các quốc gia.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *