Thu. May 2nd, 2024


    Những năm gần đây, cùng với khuyến khích, phát triển chăn nuôi, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) chú trọng tuyên truyền, vận động nông hộ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn khu dân cư xanh – sạch – đẹp.

    Chúng tôi cùng cán bộ phường Đông Phong đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Thân (tổ dân phố số 28). Được biết, năm 2019, ông Thân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tại bản Chin Chu Chải (xã San Thàng) với diện tích hơn 400m2. Hiện, trang trại đang nuôi 26 lợn, gần 100 con gà và gần 50 con chó; thả cá trên diện tích ao hơn 1.600m2. Để không làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các hộ dân xung quanh, gia đình ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xây tường bao, đầu tư hầm bioga, hệ thống thoát nước, dùng chế phẩm sinh học ủ chất thải trước khi bón cho cây trồng.
    Ông Thân chia sẻ: Tôi luôn xác định, để phát triển chăn nuôi bền vững, công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu. Mỗi năm gia đình tôi nuôi lợn, gà số lượng tương đối lớn, trong khi thực hiện quy mô khép kín, do đó giữ gìn vệ sinh càng quan trọng hơn. Chuồng trại đảm bảo sạch, thoáng vừa tránh nhiễm bệnh cho đàn vật nuôi vừa không ảnh hưởng đến các hộ dân trong khu vực.

    Đảm bảo chăn nuôi bền vững, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở tổ dân phố số 23 chú trọng vệ sinh trong chăn nuôi gia cầm.

    Cũng như gia đình ông Thân, chị Nguyễn Thị Hà ở tổ dân phố số 23 cũng đặc biệt chú trọng vệ sinh trong chăn nuôi gia cầm. Gia đình chị đang nuôi gần 1.000 con gia cầm các loại. Trong và ngoài chuồng nuôi, chị thường xuyên rắc vôi bột, phun khử khuẩn, sử dụng men vi sinh khử mùi hôi và thu gom chất thải định kỳ.
    Hiện nay, trên địa bàn phường Đông Phong có hơn 10 hộ gia đình và 1 hợp tác xã chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại chủ yếu là bò, lợn, gà. Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND phường khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước, dùng chế phẩm sinh học để ủ chất thải của gia súc, gia cầm… tránh phát sinh, lây lan mầm bệnh, đảm bảo vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt.
    Anh Bùi Minh Tú – Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Là địa bàn đông dân cư nên việc chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường vô cùng quan trọng. Phường thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố, bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố tổ chức tập huấn cho các hộ cách xử lý chất thải. Ngoài ra, phường thành lập đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở những trường hợp xả chất thải trực tiếp ra môi trường… Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các trang trại, gia trại trên địa bàn phường cơ bản được khắc phục.
    Dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại phường Đông Phong vẫn còn khá nhiều bất cập do hoạt động chăn nuôi nằm trong các khu dân cư. Địa phương không có địa điểm quy hoạch làm khu chăn nuôi tập trung. Chủ yếu các hộ tự đầu tư và tìm hướng khắc phục. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng chăn thả gia súc không đúng nơi quy định. Từ đầu năm đến nay, UBND phường và các lực lượng đã xử phạt và nhắc nhở gần 10 trường hợp thả rông gia súc trên địa bàn.
    Phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, thời gian tới, phường Đông Phong tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vận động các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải và các loại chất thải khác; nghiêm cấm việc chăn thả gia súc không đúng nơi quy định.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *